Lượt xem: 145
Long Phú khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3/năm
10/12/2019
Hiện nay trên địa bàn huyện Long Phú độ mặn trên các sông đã xuất hiện và ở mức cao. Trong thời gian tới tình hình này sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngành chuyên môn đã khuyến cáo không nên sản xuất lúa 3 vụ, sẽ gặp rất nhiều rũi ro, đặc biệt là xâm nhập mặn và tình trạng thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến canh tác và đời sống người dân.
Còn nhớ trong đợt hạn, mặn cuối năm 2015 đầu năm 2016 Long Phú là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất, với 4.778ha bị thiệt hại trên tổng số hơn 6.400ha xuống giống vụ lúa xuân hè và có 4.375 hộ bị ảnh hưởng, gây tổn thất lớn cho nông dân và nhà nước phải trích ngân sách hỗ trợ trên 8 tỷ đồng cho bà con có vốn tái sản xuất. Sản xuất lúa liên tục trong năm sẽ làm cho đất không được nghỉ ngơi để hồi sức; phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên, sau một thời gian đất sẽ bị kiệt dinh dưỡng, góp phần ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lưu hành quanh năm và chi phí sản xuất đã tăng lên 2 triệu đồng/công, trong khi lợi nhuận và năng suất lúa lại thấp.
Trích ảnh: Trạm quản lý thủy nông huyện kiểm tra độ mặn tại cống Bà Xẩm
Chỉ tính riêng năm 2019 năng suất lúa chỉ đạt gần 6 tấn/ha, giảm hơn 1 tấn/ha so với năm 2010. Thấy được hậu quả trên, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân sớm này nhiều nông dân trong huyện sẽ tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn không làm lúa 3 vụ mà chuyển một phần đất sang trồng các loại cây trồng khác, để tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất. Ông Trịnh Thanh Hùng, ấp Ngã Tư, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú bộc bạch“ Năm nay thực hiện kế hoạch, chỉ đạo của Huyện ủy – UB là không sản xuất lúa vụ 3, đại đa số người dân chấp hành sản xuất lúa 2 vụ để giảm sâu bệnh, tăng chất lượng lúa, gạo và có một vài hộ chuyển sang trồng rẩy xuống chân ruộng như: trồng dưa, trồng ớt...”
Theo nhận định, trong thời gian tới khả năng xâm nhập mặn rất lớn. Lãnh đạo Huyện ủy – UBND huyện cùng với ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa 3 vụ để hạn chế thiệt hại và trong những ngày gần đây độ mặn đo được tại các cửa cống vào ngày 9/12 tại bến phà Đại Ân là trên 9%o và cống Bà Xẩm hơn 8%o và độ mặn sẽ còn diễn biến khó lường.
Ông Lách Phà Rích- Trưởng trạm quản lý thủy nông huyện Long Phú cho biết “ Chúng tôi sẽ theo dõi độ mặn thường xuyên, hàng ngày đo độ mặn. Theo chỉ đạo của Huyện ủy – UBND huyện từ 1% trở lên chỉ đạo cho các cống đóng lại giữ nước, còn dưới 1% Trạm sẽ xuống kiểm tra và cho các cống mở lấy nước để dự trữ cho bà con”
Ông Lâm Văn Vũ – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Phú nói “ Phòng nông nghiệp đã có một số giải pháp, thứ nhất thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch đề xuất gia cố bờ bao, cống đập để ngăn mặn, đảm bảo sản xuất cho bà con, thứ 2 tiếp tục tuyên truyền vận đồng người dân làm thủy lợi nội đồng, tôn cao bờ bao để ngăn mặn, trữ nước ngọt, thứ 3 rà soát lại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn mặn có kế hoạch để phòng, chống, ứng phó và thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, thông báo kịp thời cho người dân để chủ động lấy nước bươm tưới phục vụ sản xuất”
Để hạn chế rủi ro và tránh thiệt hại cho nông dân trong sản xuất, mọi người cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích trước mắt và tác hại lâu dài của việc sản xuất nhiều vụ lúa/năm để đưa ra quyết định phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ đồng ruộng và môi trường sống của chúng ta.
Bài, ảnh: Thanh Đồng